0916.451511 028.62948929

Phòng Chống Mối Công Trình Xây Dựng

TCVN 7958:2008 - Phòng chống mối cho công trình xây dựng P2

Đây là phần tiếp theo của TCVN 7958:2008 - Phòng chống mối cho công trình xây dựng P1

TCVN 7958:2008 - Phòng chống mối cho công trình xây dựng P2

TCVN 7958:2008 - Phòng chống mối cho công trình xây dựng P2

4. Khảo sát phát hiện và thiết kế phòng chống mối

4.1. Khảo sát phát hiện mối

Việc khảo sát phát hiện mối cho các công trình thuộc loại A, B, C phải do người có kiến thức cơ bản về đặc tính sinh học các giống, loài mối và kinh nghiệm thực tiễn về phòng chống mối, biết xác định loại mối gây hại chủ yếu tại khu đất xây dựng công trình và nhận biết tình trạng mối hoạt động trong khu vực kế cận, như hướng dẫn tham khảo trong Phụ lục A.

Khi khảo sát phải xem xét kỹ các nhà hiện có trên cùng khu đất có điều kiện tương tự.

Sau khi khảo sát phải có báo cáo tóm tắt về các loài mối chủ yếu đang hoạt động trên khu đất, tên giống và loài mối cụ thể.

4.2. Thiết kế phòng chống mối

Thiết kế phòng chống mối cho các loại công trình A, B, C tùy mức độ khác nhau, nhưng tối thiểu phải bao gồm:

  • 4.2.1. Báo cáo tình hình mối phá hoại
  • 4.2.2. Biện pháp xử lý diệt mối, dọn gốc cây, rễ cây và rác có chứa xenlulô.
  • 4.2.3. Tùy theo điều kiện, chọn một trong hai phương pháp là: phòng chống mối bằng phương pháp kết hợp hoặc phòng chống mối bằng thuốc.
  • 4.2.4. Dự kiến kế hoạch và thời điểm thực hiện các công việc phòng và diệt mối trước khi khởi công phá dỡ và kế hoạch thực hiện thi công phòng chống mối kết hợp với thi công xây dựng, nhất là tại các thời điểm thi công móng tường, móng nền nhà tầng trệt hoặc tầng hầm nếu có.
  • 4.2.5. Sơ đồ phòng chống mối cho công trình gồm các phần việc như: xử lý mặt nền, xử lý chân tường, hàng rào phòng mối bên trong và bên ngoài…

5. Phòng chống mối bằng phương pháp kết hợp

5.1. Qui định chung cho các loại công trình

  • 5.1.1. Khi thi công móng và nền phải lấy hết các tấm ván khuôn, không để sót lại các mảnh ván hoặc gỗ vụn, mùn cưa, dăm bào, giấy, bao xi măng xung quanh móng, mặt nền, các khe lún hoặc khe co giãn của các chân tường. Các khe giữa các tường đôi hoặc cột đôi của hai đơn nguyên, nếu đổ bê tông tại chỗ phải dùng các vật liệu không có chứa xenlulô để chèn (như tấm vữa, chất dẻo v.v...), phòng khi không lấy ra được sẽ không tạo thành nơi trú ngụ và đường đi của mối thâm nhập lên các tầng. Nếu dùng ván gỗ để chèn thì phải xử lý ngâm tẩm thuốc phòng chống mối trước khi dùng.
  • 5.1.2.Khi dùng gỗ, tre làm kết cấu chịu lực hoặc làm các bộ phận trang trí, làm cửa và khung cửa, các bộ phận đó phải được xử lý (ngâm, tẩm, phun, quét) thuốc phòng chống mối hoặc thuốc bảo quản lâm sản. Nếu là gỗ thuộc nhóm cần xử lý bảo quản (xem Phụ lục B) thì thành phẩm sau khi gia công phải được xử lý thuốc phòng chống mối hoặc thuốc bảo quản lâm sản trước khi dùng sơn hoặc vécni. Trường hợp có cắt, gọt, gia công thêm thì các bộ phận đó phải được xử lý bổ sung. Nếu gỗ thuộc nhóm không cần xử lý bảo quản (xem Phụ lục B), nhưng có lẫn gỗ dác thì phải xử lý như gỗ thuộc nhóm cần xử lý bảo quản. Trong trường hợp gỗ thuộc nhóm không cần xử lý bảo quản nhưng dùng ở những nơi ẩm ướt cũng phải được xử lý bảo quản.

5.2. Đối với công trình loại C. Ngoài yêu cầu trong 5.1, trên toàn bộ mặt tường móng và toàn bộ mặt nền nhà (tức trên lớp gạch vỡ đầm chặt, dưới lớp vữa lát nền nhà tầng trệt hoặc tầng hầm nếu có) phải trải kín đều một lớp vữa xi măng cát vàng có cường độ không nhỏ hơn 10 MPa với chiều dày không nhỏ hơn 30 mm, đồng thời phải trát một khoảng cao từ mặt nền nhà tới bậu cửa sổ tầng trệt phía mặt trong và mặt ngoài tường bằng lớp vữa xi măng cát vàng nói trên để chống mối làm đường mui đi bên trong tường.

5.3. Đối với loại công trình loại B, phải đáp ứng các yêu cầu nêu ở 5.1, 5.2 và các yêu cầu bổ sung sau:

  • 5.3.1. Phải tăng cường thêm một lớp bê tông đá dăm có cường độ không nhỏ hơn 20 MPa, với chiều dày không nhỏ hơn 70 mm trải kín đều trên lớp vữa xi măng cát vàng đã nêu ở 5.2.
  • 5.3.2. Những nơi có đường cáp hoặc đường kỹ thuật ngầm đi lên mặt nền phải đặt trong đoạn ống cứng, bên trong đoạn ống cứng đó phải đổ kín bằng vữa bi tum nóng. Khi thi công nền tầng trệt hoặc tầng hầm nếu có, phải đảm bảo chèn vữa bê tông tươi kín khắp xung quanh các loại đường ống đi qua nền.
  • 5.3.3. Tại các chân khung cửa của tầng trệt, khi chôn xuống đất nền phải đảm bảo có lớp bê tông bao kín xung quanh và bên dưới chân khung cho tới cốt 0-0 của mặt nền, với chiều dày của lớp đó không nhỏ hơn 50 mm. Trường hợp có điều kiện nên sử dụng bằng cốc thép không gỉ có chiều dày tối thiểu 1 mm, chiều cao bằng khoảng chân khung chôn xuống mặt nền nhà và được chèn kín bằng vữa xây sau khi định vị khung cửa.

5.4. Đối với công trình loại A, phải đáp ứng các yêu cầu nêu ở 5.1, 5.2, 5.3.2, 5.3.3 và yêu cầu bổ sung:

  • 5.4.1.Đối với loại nhà sàn có tầng chân cột để trống hoàn toàn, tầng chân cột phải có chiều cao thông thoáng kể từ mặt nền xi măng cát vàng đến mặt dưới của kết cấu sàn không nhỏ hơn 0,8 m để có thể tới kiểm tra mọi điểm dưới nền nhà. Trong trường hợp có điều kiện nên làm chiều cao tầng chân cột từ 1,7 m đến 3 m để có thể tới kiểm tra dễ dàng hơn.
  • 5.4.2.Trong trường hợp không thể làm nhà sàn trống chân cột, mà phải sử dụng tầng trệt, cũng như trường hợp phải thiết kế sử dụng tầng hầm, thì phải tăng cường lớp cách ly bằng bê tông có cốt liệu đá granit với chiều dày đồng đều 70 mm cho toàn bộ sàn tầng trệt, hoặc cho toàn bộ sàn tầng hầm và tường tầng hầm (phần chìm dưới mặt đất có kết cấu bên ngoài tiếp xúc với đất nền, khi có sử dụng một hoặc nhiều tầng hầm).
  • Quy cách của cốt liệu đá granit dùng cho bê tông này như sau:
  • - đồng nhất về cỡ hạt với kích thước từ 2,4 mm đến 1,7 mm, sạch, 100% lọt qua cỡ sàng 2,4 mm, và dưới 10% lọt qua cỡ sàng 1,18 mm;
  • - khối lượng thể tích không nhỏ hơn 2,6 kg/dm3;
  • - hàm lượng ẩm (7 ± 1) %.
  • 5.4.3.Lớp trát mặt trong tầng hầm, cũng như lớp trát mặt trong và mặt ngoài tầng trệt phải dùng vữa xi măng cát vàng có cường độ không nhỏ hơn 5 MPa.
  • 5.4.4.Với công trình đặc biệt quan trọng khi có sử dụng tầng hầm, nên bố trí thêm lớp thép không gỉ, hoặc lớp đồng giữa lớp lót bê tông cát vàng với lớp bê tông đá granit. Chiều dày của lớp thép hoặc đồng không nhỏ hơn 0,5 mm. Các chỗ nối của các tấm phải được hàn kín đảm bảo vừa ngăn ngừa mối vừa chống thấm cho các tầng hầm.
  • 5.4.5.Ở các chỗ chia cắt đơn nguyên của nhà cũng như dọc theo các khe lún, khe co giãn, không được thiết kế gần sát nhau, phải đảm bảo khoảng cách giữa các mặt tường đối diện của các đơn nguyên gần nhau, hoặc mặt đối diện của hai dãy cột thuộc các phần gần nhau, không nhỏ hơn 500 mm.
  • 5.4.6.Tại các chân cột, phải đặt các mũ chụp hình khay úp bằng thép không gỉ để ngăn mối, với chiều dày tối thiểu 0,5 mm hoặc bằng đồng dày tối thiểu 0,4 mm ở độ cao thích hợp cách mặt nền hoàn thiện tầng trệt hoặc tầng hầm nếu có, tối thiểu là 75 mm. Đồng thời trên toàn bộ mặt móng và các cột bổ trụ cũng phải đặt dải băng thép có độ dày, tiết diện và có độ cao như đối với mũ chụp cho cột. Dải băng thép phải liên tục, tại các chỗ nối phải được hàn kín.

5.5.Các công trình có thể bố trí hệ thống lưới thép không rỉ ngăn mối. Lớp lưới thép phải tiếp giáp với các tường móng, các cột, có sợi thép đan với đường kính tối thiểu là 0,18 mm, cỡ lớn tối đa của mắt lưới 0,66 mm x 0,45 mm. (Cách sử dụng tham khảo Phụ lục C).

5.6. Khi thi công các phần việc phòng chống mối bằng phương pháp kết hợp, chủ đầu tư xây dựng công trình có thể giao cho nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhưng phải có thiết kế phòng chống mối được phê duyệt, có hợp đồng, có giám định từng phần và có biên bản nghiệm thu, đặc biệt ở các phần khuất kín.

Thiết kế phòng chống mối bằng phương pháp kết hợp phải do các đơn vị có chức năng phòng chống mối làm tư vấn thiết kế.

TCVN 7958:2008 - Phòng chống mối cho công trình xây dựng P2

Mời quý khách xem tiếp phần 3 tại: TCVN 7958:2008 - Phòng chống mối cho công trình xây dựng P3


: admin

Find us on Facebook
View
G-7W2HFX9LNS